Tin Vận tải

Vượt muôn nẻo khó khăn xây cao tốc Bắc - Nam, tư lệnh ngành giao thông vận tải nêu 6 bài học quý

Ngày 06-12-2023 Lượt xem: 301

Các nhà thầu "vượt nắng, thắng mưa", chung lưng đấu cật để đưa 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An hoàn thành và đi vào khai thác. Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm đúc rút sau khi hoàn thành các dự án này...

Bộ Giao thông vận tải mới đây tổ chức Hội nghị sơ kết về thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.

HOÀN THÀNH 4 DỰ ÁN THÀNH PHẦN TRÊN 170KM TỪ NINH BÌNH - NGHỆ AN

Báo cáo quá trình thực hiện dự án, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài là 652,8km.

Đến nay, hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án, trong đó có 1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công, với tổng chiều dài 518km. Hiện còn 3 dự án đang triển khai, gồm: cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023, dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành năm 2024.

Riêng đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45,  Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, có chiều dài 171,85km và tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh gồm: Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km.

Đối với đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, đến nay thông xe đưa vào khai thác 4 dự án thành phần với chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng.

"Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3-3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1", ông Tiến cho biết.

Cùng với đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.

Đánh giá những tác động tích cực mà cao tốc mang lại cho địa phương, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định tuyến đường không chỉ rút ngắn thời gian đi lại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nơi cao tốc đi qua, có bước phát triển kinh tế - xã hội. 

Để đảm bảo tính kết nối và phát huy tối đa hiệu quả của dự án, tỉnh Thanh Hóa cũng ưu tiên bố trí gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư các tuyến đường kết nối quy mô từ 4-8 làn xe, nối từ 7 nút giao tới các tuyến đường trọng điểm của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương có tuyến cao tốc đi qua sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm các dự án này.

NHÀ THẦU "CHUNG LƯNG ĐẤU CẬT", VƯỢT NẮNG THẮNG MƯA VỀ ĐÍCH

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng biểu dương những nỗ lực, quyết tâm của nhà thầu, các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương.

Bộ trưởng bày tỏ, việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng và các dự án giao thông trọng điểm nói chung là danh dự, trách nhiệm  của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Trong quá trình thực hiện dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án như: đại dịch Covid-19, khó khăn về vật liệu, biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ...

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân khu vực dự án, sự phối hợp kịp thời của các đơn vị thi công kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đại diện các đơn vị tham gia thực hiện dự án phát biểu tại hội nghị.

Đại diện các đơn vị tham gia thực hiện dự án phát biểu tại hội nghị.

Nhất là ở giai đoạn "nước rút", Bộ Giao thông vận tải phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết.

Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", cách nghĩ, cách làm đột phá, vượt qua những khó khăn, thách thức mà nhiều dự án về đích đảm bảo thông xe đúng vào dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước.

Đặc biệt, các nhà thầu, các doanh nghiệp chung tay tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung, để dự án đảm bảo tiến độ chung, khi vào giai đoạn cuối, các nhà thầu không nề hà, có nhà thầu huy động tới 150 kỹ sư, cùng dây chuyền thiết bị hiện đại sang giúp đỡ nhà thầu khác.

6 KINH NGHIỆM QUÝ

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm quý được rút ra trong quá trình triển khai 4 dự án cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An, nhằm nhận diện những ưu điểm nhằm phát huy cho các dự án sau này. Đồng thời, cũng thẳng thắn nhìn vào các vấn đề còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để mỗi công trình sau làm nhanh hơn, tốt hơn công trình trước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm quý được rút ra trong quá trình triển khai 4 dự án cao tốc.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ 6 bài học kinh nghiệm quý được rút ra trong quá trình triển khai 4 dự án cao tốc.

Cụ thể, một, huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Có những vấn đề tương tác trực tiếp giữa lãnh đạo với nhau, giữa các cấp với nhau không chờ họp, chờ rút kinh nghiệm.

Hai là, cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

Tinh thần như Chính phủ quán triệt "khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án.

Ba là, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án nên cần phải đi trước một bước.

Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Bốn là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án.

Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Năm làcông tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là tư vấn khảo sát thiết kế giảm thiểu sai số.

Các doanh nghiệp nhà thầu phối hợp chặt chẽ, xử lý các tình huống phát sinh, nhằm đảm bảo công tác thi công được thông đồng bén giọt, đảm bảo dự án đưa vào khai thác được bền vững trong điều kiện thời tiết biến đổi khó lường.

Sáu là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế.

Huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

4 dự án cao tốc giai đoạn 2017 - 2020 từ Ninh Bình đến Nghệ An gồm: đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư.

Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.

HOTLINE

0936 923 066
zalo
zalo Chat với tư vấn viên Gọi điện